Âm Dương, Ngũ hành - Sự ứng dụng trong phong thủy học
ÂM DƯƠNG, NGŨ HÀNH
1. Hiêu biết cơ bản về âm dương
Âm và Dương là hai khái niệm mang tính tương đối, được hình thành vào thời nhà Hạ. Có rất nhiều giả thiết, giải thích về nguồn gốc của âm dương và triết lý âm dương đã được đưa ra. Tuy nhiên, Âm dương thực chất chỉ là một tư tưởng triết học cổ đại, được người xưa dùng để phân biệt sự vật, hiện tượng.
Trong phong thủy học, khái niệm về âm dương có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Hiểu rõ và phân biệt được chính xác âm và dương là bước đầu quan trọng để người học đi sâu vào học thuyết của phong thủy học :
- Âm dương được coi là hai mặt của sự vật hiện tượng, có tính chất đối lập, mâu thuẫn nhau. Âm dương được thể hiện bằng hai nửa vòng tròn đối lập, tồn tại song song và chuyển hóa qua lại với nhau; trong âm có dương và trong dương có âm. Đây là lý luận cơ bản của Kinh Dịch, Bát Quái, Kỳ Môn, Phong thủy, Tinh tượng học, Đông y …
- Trong kinh dịch: Vạch liền là dương, vạch đứt là âm. Nhất âm, nhất dương vị chi đạo. Tức là một âm, một dương gọi là đạo.
- Trong giới tự nhiên: Dương là trời, giống đực, con trai, ánh sáng, sự chuyển động, nóng, số lẻ, sự sinh sôi, phát triển … Âm là đất, giống cái, con gái, bóng tối, sự tĩnh, lạnh, số chẵn, tàng trữ, tàng tích … Dương được đặc trưng bởi sự thăng giáng, bay lên trên, tính trong và nhẹ. Âm nặng giáng, chìm xuống dưới, tính đục và nặng.
- Việc cân bằng âm và dương là nguyên tắc rất quan trọng của phong thủy học. Âm dương cân bằng chính là nguồn gốc sinh ra vạn vật. Người học phong thủy nên ghi nhớ điều này.
Ví dụ: Trong thiết kế phong thủy cho nhà ở, ứng dụng âm dương là chúng ta điều chỉnh sao cho màu sắc ngôi nhà, căn phòng hài hòa; ánh sáng, bóng tối phù hợp; góc lồi, góc lõm cân bằng nhau; thủy hỏa cân đối, điều hòa; đồ vật cao thấp phù hợp …
2. Ngũ hành
Người xưa quan niệm, tất cả vạn vật đều phát sinh từ năm nguyên tố cơ bản, đó là Kim, Thủy, Mộc, Hỏa và Thổ. Trong phong thủy học, Ngũ hành thực chất là 5 loại khí, luôn luôn vận hành và chuyển hóa lẫn nhau.
Tùy theo lý luận của các trường phái phong thủy mà Ngũ hành được phân thành: Chính Ngũ hành; Hồng phạm Ngũ hành; Tam hợp – Song Sơn Ngũ hành; Huyền không Ngũ hành; Lại công Ngũ hành; Hóa khí Ngũ hành ……
Tuy nhiên, Ngũ hành thường được biết đến là chính Ngũ hành, gồm: KIM, THỦY, MỘC, HỎA, THỔ.
Học về Ngũ hành là cơ sở để đi sâu vào các tầng lý luận của phong thủy học.
Để hiểu rõ về Ngũ hành, chúng ta cần chú ý mấy điểm sau:
- Thứ nhất: Ngũ hành không cố định mà luôn luôn thay đổi, biến hóa, sinh khắc lẫn nhau.
- Thứ hai: Nguyên lý vận hành của Ngũ hành có tính quy luật. Gồm: quy luật tương sinh; quy luật tương khắc; quy luật phản vũ và quy luật sinh, vượng, tử, tù, hưu.
+ Quy luật tương sinh là: Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ và Thổ sinh Kim;
Trong quy luật tương sinh cần hết sức chú ý nguyên tắc. Đó là: ít sinh cho nhiều.
+ Quy luật tương khắc: Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy và Thủy khắc Hỏa.
+ Quy luật phản vũ: Gồm có quy luật phản khắc và quy luật phản sinh.
Mộc cần có Thủy sinh, nhưng Thủy nhiều thì Mộc bị trôi dạt.
Thủy cần có Kim sinh, nhưng Kim nhiều thì Thủy bị đục.
Mộc khắc được Thổ, nhưng Thổ nhiều thì Mộc bị gầy yếu.
Thổ khắc được Thủy, nhưng Thủy nhiều thì Thổ bị trôi dạt.
Thủy khắc được Hỏa, nhưng Hỏa nhiều thì Thủy phải cạn.
Hỏa khắc được Kim, nhưng Kim nhiều thì Hỏa sẽ tắt.
+ Quy luật Sinh, Vượng, Tử, Tù, Hưu: cần phải căn cứ vào tiết lệnh của Tháng, mùa mà suy xét.
Mùa xuân thì Mộc Vượng, Hỏa tướng, Thổ tử, Kim tù, Thủy hưu;
Mùa hạ thì Hỏa vượng, Thổ tướng, Kim tử, Thủy tù, Mộc hưu;
Mùa thu thì Kim vượng, Thủy tướng, Mộc tử, Hỏa tù, Thổ hưu;
Mùa Đông thì Thủy vượng, Mộc tướng, Hỏa tử, Thổ tù, Kim hưu.
TRỌNG HẬU FENGSHUI